Một tuần đã trôi qua sau khóa canh tân đời sống hôn nhân 17. Nhiều cảm xúc đã có thời gian lắng đọng lại. Rất nhiều anh chị tham dự đã chia sẻ tâm tình và cảm xúc của mình sau khóa. Xúc động có, nghẹn ngào có.Hối hận ăn năn cũng có và trên cả là tâm tình và quyết tâm dành cho nhau, cho người bạn đời và cho cả cộng đòan của mình. Thực sự thì cảm xúc khi tham dự khóa quá nhiều, sự đồng cảm, đồng nỗi lòng với tâm tình của anh chị này chưa nguôi đã lại được chia sẻ với mảnh đời của các anh chị khác, khi ngồi lại với nguời bạn đời để rút ra bài học qua những chia sẻ đó thì cảm xúc cũng thật khó diễn tả.

Qua các đề tài và nghi thức lòng em cũng có rất nhiều tâm tình lắng đọng lại:  

“ Đã rất lâu rồi” hay “ đã mười mấy năm rồi…” là câu mà rất nhiều anh chị đã viết nên khi chia sẻ cảm xúc của mình. Điều đó nói lên các anh chị đã có rất nhiều năm sống đời hôn nhân. Nhưng với vợ chồng Tuấn Ngân thì thời gian đó chưa nhiều. Tháng 7 này cũng là tròn 5 năm đám cưới của tụi mình. 5 năm không dài nhưng cũng không phải là một khỏang thời gian ngắn. Khi nghe bài chia sẻ “ Nền móng căn bản cho hôn nhân” của anh chị Hảo Hằng, mình lại có thời gian nhìn lại thời gian hôn nhân của mình. Cảm xúc tràn về và cũng là lúc mình xét lại lòng trong những mối tương quan trong gia đình, những viên đá mà mình đã đặt nền tảng cho cuộc hôn nhân của mình. Hơn ai hết, mình hiểu mình may mắn như thế nào khi được xây dựng hôn nhân dựa trên nền tảng tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Thời gian đầu của cuộc hôn nhân thật sự viên mãn và hạnh phúc, nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng êm xuôi như mình mong muốn. Nhiều việc khác xảy ra, rồi con cái ra đời, rồi công việc và hàng trăm thứ lo lắng khác làm mình đôi lúc bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống mà quên đi rằng cái gì là thực sự quan trọng với mình. Mình cứ nghĩ rằng gia đình mình đương nhiên còn đó, chồng con chắc chắn là của mình mà không biết xem trọng và vun đắp cho hạnh phúc đó. Sự mặc nhiên đó của mình làm tổn thương gia đình. Sự day dứt khi mình đã coi trọng nhiều thứ khác hơn nguời bạn đời và gia đình, sự thiếu cảm thông và tha thứ với nhau làm cho tình cảm phai nhạt. Nhưng may  mắn thay có những lúc ngồi lắng đọng, tâm sự với Chúa, mình tìm ra được sự thanh thản hơn trong tâm hồn, và đặc biệt qua bài chia sẻ của anh chị, mình cảm nghiệm hơn được sự thiêng liêng và cần thiết của những tình cảm cao quý trong gia đình.

Câu chuyện của mỗi anh chị chia sẻ là một “ miếng bánh” mà các anh chị muốn trao cho mọi nguời. Và đúng như thế, khi lãnh nhận những lương thực cho tâm hồn, tâm hồn của chúng em như được thêm sức mạnh và năng lượng, đúng là cuộc sống của mỗi con người đều có những hòan cảnh khác nhau, mỗi nguời được Chúa trao cho một sứ mệnh, và các anh chị đã và đang hòan thành những sứ mệnh của mình để chia sẻ cho chúng em những cảm nghiệm bổ ích. Qua bài chia sẻ về đối thọai, chúng em hiểu được rằng mọi sự cảm thông, chia sẻ và chung tay với nhau cần có sự đối thọai với nhau. Ai cũng là con người, ai cũng có những hạn chế, vì thế việc đối thọai trở nên chiếc cầu nối kết mọi nguời và vợ chồng với nhau để tạo nên mối lien kết và cảm thông. 

Đề tài và nghi thức mang lại nhiều cảm xúc và bổ ích nhất với chúng em là  “ Tha Thứ” và “ Dấu tay trên cát” . Trong cuộc sống hôn nhân, khi hai con người xa lạ kết hợp lại với nhau và sống chung một gia đình, không thể nào kể hết những khác biệt, do đó, chắc chắn sẽ nảy sinh những mâu thuẫn và bất hòa, vì thế, nếu không có sự tha thứ thì không thể nào tồn tại gia đình. Chính Chúa đã tha thứ tất cả mọi tội lỗi chúng ta, chúng ta đã nhận lãnh những ơn tha thứ, và vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm tha thứ cho nhau. Chỉ có ai không bao giờ lầm lỗi mới không cần sự tha thứ. Khi ngồi riêng với nhau thực hiện nghi thức dấu tay trên cát là lúc chúng em đối diện thật với lòng mình, với con người thật đầy yếu đưối và lầm lỗi của nhau để rồi nhận ra mình thực sự rất yếu lòng. Và vì yếu lòng nên cần có sự nâng đỡ cũng như tha thứ của nguời bạn đời để có thể cùng với nhau đi trọn con đường. “ xin hãy tha thứ cho em vì những lần em làm buồn lòng anh”. Có lẽ đó sẽ là câu nói nên đuợc nói nhiều hơn nữa trong cuộc sống với nhau.

Và còn rất nhiều tâm tình chia sẻ khác rất bổ ích mà các anh chị khác đã mang đến. “ Vai trò cộng đòan trong hôn nhân” để thấy mình đã làm đuợc gì cho cộng đòan mình sinh họat chưa hay mình chỉ tòan nhận lãnh. Lý do lúc nào cũng được đưa ra : con cái, công việc, bận rộn. v.v và v.v…Cần phải cho đi nhiều hơn nữa khi mình đã nhận rất nhiều hay “ Hôn nhân chính là bí tích” để thấy rằng mình không chỉ sống cho riêng mình.

Một trong những điểm nhấn của chương trình chắc chắn sẽ còn đọng lại nơi rất nhiều tham dự viên khi rời khóa là những lá thư tình viết cho nhau. Điều này không quá xa vời nhưng sao thật quý khi nhận được. Ai cũng biết, tình yêu và thư tình là 2 thứ hầu như luôn đi đôi với nhau. Nhưng sao khi sống cuộc sống hôn nhân, tình yêu có thể còn đó nhưng thư tình đã hết. Vì sống chung, vì gần gũi quá, vì không còn gì để viết hay vì không muốn viết, không muốn nhận thư tình? Vậy nhưng sao khi viết và nhận thư rồi, khi chia sẻ lá thư mình nhận, có mấy ai giữ đuợc cảm xúc? Có bao nhiêu anh đọc thư vợ mà không rưng rưng nước mắt? Và có mấy ai nói rằng mình không thích nhận thư của nguời mình yêu thương? Bản than mình cũng đã từng nhận đuợc rất nhiều thư tình từ ông xã, nhưng lá thư gần đây nhất cũng đã lâu lắm rồi phải không anh? Và lá thư gần nhất em viết anh cũng không nhớ nội dung là gì. Vậy thời gian hay chính mình là thủ phạm khiến mình bớt yêu nhau hơn?

Dài dòng và lan man quá nhỉ? Thôi em dừng đây. Dừng lại để hồi tưởng lại giây phút anh cầm tay em và nói” anh hứa sẽ yêu và tôn trọng em mọi ngày suốt cuộc đời anh” cách đây 5 năm hay “ anh xin lập lại lời hứa…yêu thương em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan” cách đây 1 tuần. Em và anh sẽ cùng đem lời hứa ấy vào cuộc sống hàng ngày, anh nhé.  

Xin hẹn mọi nguời và những chia sẽ khác vào kỳ CTDSHN lần sau.

Thương yêu!

 Tuấn Ngân