Tại chỗ tôi ở có nhiều điều tôi rất thích, và một trong số đó chính là cách vun trồng và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách, đặc biệt là cho trẻ em. Ngay từ khi mang thai, bà bầu đã được phát cho rất nhiều sách cho mẹ và cho bé, về cách chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng tinh thần cho tới cách các ông bố nên làm gì cho mẹ và bào thai. Tới lúc mới sinh, những ngày đầu khi y tá tới nhà chăm sóc cho mẹ và bé, tôi cũng được cho bao nhiêu là sách đồng thời nhấn mạnh tới việc quan trọng của đọc sách cho em bé nghe mỗi ngày từ nhỏ.
Hàng tuần, tại thư viện địa phương và câu lạc bộ cha mẹ đều có các buổi đọc sách cho các bé từ 0-36 tháng bởi nhân viên được huấn luyện. Rồi khi các con vào học mầm non cho tới cấp 1, mỗi ngày đều được yêu cầu đọc 2 quyển sách ( nhỏ và mỏng) phù hợp với trình độ của từng bé (theo lexile level), các con có thể tuỳ chọn sách mà mình thích ở tủ sách với nhiều thể loại, không cần phải biết chữ mới đọc được, có rất nhiều sách với hình ảnh, màu sắc, chất liệu và âm thanh mà các con có thể nhìn, sờ, ấn để cảm nhận. Hàng tuần thì đều có Library Day, mỗi bé có thể mượn từ 2-5 quyển sách (dày và to hơn) để về nhà đọc, tuần sau lại đem tới đổi. Khi các con đọc xong thì tóm tắt ý chính và kể cho ba mẹ nghe, sau đó cha mẹ ký vào nhật ký đọc sách của con. Mỗi cột mốc 25, 50, 100 ngày đọc sách liên tục các con đều được trường cho giấy chứng nhận ( silve, gold, diamond certification) làm các bé rất háo hức và hãnh diện với thành quả của mình.
Tính ra trung bình các con đọc tối thiểu 12 cuốn sách 1 tuần, 1 năm 4 term đã đọc được hơn 500 quyển sách, không kể 3 tháng school holiday các bé còn đi thư viện thường xuyên hơn. Mỗi học kỳ các bé đều có Book week, trong nguyên tuần đó các con có rất nhiều hoạt động về sách như đi thư viện các nơi, có các tác giả nổi tiếng tới trường nói chuyện về các tác phẩm nổi tiếng, hoá trang thành các nhân vật yêu thích trong sách, tự sáng tác truyện của riêng mình…
Thư viện được trang bị khắp nơi, từ thư viện bang, tới thư viện thành phố, thư viện địa phương hay thư viện ở trường, tất cả đều có rất nhiều sách và băng đĩa miễn phí, mỗi lần mượn tối đa 30 sách/đĩa và tự động gia hạn thời gian trả mỗi 2 tuần mà không lo đọc chưa xong hay trễ hạn. Việc mượn trả cũng rất dễ dàng, mỗi sách đều được gắn 1 con chip nhỏ, các con chỉ cần quét ngang qua máy như cà thẻ mà không cần có nhân viên thư viện, cũng không phải báo cáo cho ai, khi trả chỉ cần thả vào thùng to trước của thư viện là được. Khi đã có lòng yêu thích đọc sách từ nhỏ, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi lớn lên, lúc các con đã đủ trưởng thành để tự chọn cách học tập và giải trí cho mình.
Một trong những điều mình thấy rất dễ thương đó là tại rất nhiều nhà dân, trước sân nhà họ luôn có 1 tủ sách nhỏ, gồm dăm ba chục cuốn sách của chủ nhà, ai muốn mượn về đọc cứ việc mở tủ ra lấy, không cần xin phép hay hỏi chủ nhà, khi nào đọc xong thì đem trả lại vô tủ. Đó là lý do vì sao dù công nghệ được dùng rất nhiều trong hầu hết các hoạt động của cuộc sống, mọi người vẫn rất thích đọc sách và tạo nên 1 văn hoá đọc sách trong cộng đồng.