Châu Á, nơi gọi là “Quê hương”

Mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, Việt Nam. Trong quá trình làm việc và những năm tháng tuổi trẻ, mình có cơ hội đi rất nhiều nước tại Châu Á, tất cả các nước Đông Nam Á, nhưng nước khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Dubai …trước khi đặt chân tới Châu Âu và Châu Úc năm 2013. Vậy nên mình rất thân thuộc với Châu Á, nơi mình gọi là nhà, là quê hương.

Khi mình học về Phát triển bền vững tại Úc, có một môn học mà mình rất thích, gọi là “Ecology, sustainabilty and community” hiểu nôm na là sự kết nối giữa sinh thái, phát triển bền vững và cộng đồng, và trong môn học này có một bài học về “Sense of place” mà mình rất tâm đắc. Cụm từ này mình không biết dịch ra tiếng Việt thế nào, cũng không có một định nghĩa cụ thể, “Sense of place” có thể hiểu một phần nào qua 1 câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”

Cụm từ này có ý nói là sự gắn kết một cách rất đặc biệt giữa chúng ta và nơi mà chúng ta ở, sự gắn kết này chặt chẽ đến nỗi chúng ta có tình cảm thiêng liêng, có cảm nhận sâu sắc, sự gắn kết cả về thể chất, tình cảm và tinh thần với nơi ấy. Tuy nhiên không cần phải khi rời xa mới thấy được, mà “Sense of place” nghĩa là chúng ta có thể “cảm”, có thể “feel” được sự gắn kết này rất rõ ràng khi chúng ta đang ở đó. Và mỗi người có một cách cảm nghiệm này rất riêng, nó xuất phát từ nguồn gốc, văn hoá, từ gia đình, từ kỷ niệm, từ tất cả những thứ nối kết chúng ta với nơi mà chúng ta gắn bó. Cho nên không dễ gì để có cảm giác “sense of place” với một nơi nào. Điều này hiểu là khi chúng ta có “sense of place” này, nơi đó rất đặc biệc, rất quan trọng, rất gắn bó và có một ý nghĩa thiêng liêng với chúng ta.

Sở dĩ mình viết dông dài về điều này để muốn nhấn mạnh rằng, mình có một sự gắn bó và một tình cảm rất đặc biệt với quê hương của mình, nó không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, nó là một thứ tình cảm thiêng liêng, là sự gắn bó, là kỷ niệm, và ký ức… để khi nhớ về, mình không chỉ thấy hình ảnh, mình còn có thể cảm, có thể ngửi, và cảm nhận tất cả như là “Sense of place”. Ví dụ mỗi khi trở về Đà Lạt, chỉ cần xe chạy gần tới đèo vào địa phận tỉnh Lâm Đồng là mình đã có thể cảm nhận được mình sắp tới nhà, mình chỉ cần nhắm mắt giữa đêm khuya, hít một luồng không khí mát lạnh, ngửi được cả mùi đất trời, hít được hơi của rừng thông, cảm được luồng gió mát lạnh mơn man trên mặt, ký ức ùa về, ôm ấp và yêu thương. Là khi ta thấy tràn đầy và háo hức trở về. Đó đích thị là “Sense of place” của QUÊ HƯƠNG.