Sinh con tại Úc

Con Gia An xin chào mọi người…

Sinh con tại Úc là một trải nghiệm khá đặc biệt và nhiều điều thú vị đối với mình. Phần vì hai vợ chồng cũng không phải công dân Úc nên không được hưởng các quyền lợi của người bản địa, phần vì cả nhà mới qua Úc, mọi thứ còn đang tìm hiểu, chương trình học chỉ mới bắt đầu, mọi điều còn quá mới mẻ. Phần nữa là hai vợ chồng chỉ có một thân một mình, không có bất kỳ người thân họ hàng bà con gì ở Úc cả. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó, nhiều khó khăn, nhiều thách thức sẽ giúp mình nhiều trải nghiệm khó quên và nhiều bài học bổ ích.

Khi mang thai.

Mình qua Úc để học Thạc Sĩ chương trình 2 năm, tuy nhiên, khi qua khoảng 6 tháng lúc vừa hoàn thành xong 1 học kỳ thì mình phát hiện có thai. Đây cũng là 1 điều ngoài kế hoạch của gia đình. Lúc đó mọi sự cũng khá bị động vì nhiều kế hoạch phải thay đổi. Tuy nhiên cả 2 vợ chồng bàn bạc cùng nhau và cùng lên kế hoạch cho việc này.

Điều đầu tiên là mình phải xem xét lại kế hoạch học tập của mình trong hơn 1 năm còn lại, còn những cả 3 học kỳ mà lại toàn những môn khó, cộng thêm cả việc viết luận văn tốt nghiệp và áp lực nhất là phải tốt nghiệm và luận văn phải ít nhất đạt loại giỏi để có thể đủ điều kiện để xin học bổng học tiếp Tiến sĩ nếu cần.

Ban đầu mình cũng có ý định sẽ xin bảo lưu kết quả học nửa năm hoặc một năm trong lúc sinh bé, tuy nhiên khi kiểm tra lại với nhà trường thì được biết, do mình là sinh viên quốc tế, lại đem cả gia đình sang theo diện đi học và có con nhỏ, nên nếu như mình bảo lưu kết quả học và tạm ngưng thì trong khoảng thời gian đó, visa của cả nhà sẽ mất hiệu lực và cả nhà phải trở về Việt Nam, khi nào học tiếp mới được qua lại, đồng thời giấy tờ visa cũng sẽ rất rắc rối. Do đó mình quyết định sẽ vùa học vừa sinh bé mà không xin ghỉ ngày nào cả. Lịch học lịch thi vẫn sẽ như một sinh viên bình thường khác

Vậy thì giai đoạn gần sinh, lúc sinh và mấy tháng vừa mới sinh sẽ xoay sở thế nào đây? Đầu tiên mình xin học thêm 2 môn vào 2 học kỳ mùa đông, 1 môn và học kỳ hè tiếp theo, vậy là khi tới thời gian sinh em bé, mình chỉ còn phải hoàn tất 1 môn mà thôi. Sau khi sinh, mình sẽ làm luận văn tốt nghiệp, vậy là thời điểm sinh và sau đó mình không cần phải lên lớp hàng ngày như trước. Thế là trong lúc người ta nghỉ Noel, năm mới và hè thì mình lại khệ nệ ôm bụng bầu đi học thêm cho xong các môn khác. Cũng may mà lịch chọn mấy môn đó của mình lại có lớp trong kỳ đó chứ không thì cũng không biết sao, đành phải chờ tới năm sau.

Tới tháng thứ 4 của thai kỳ thì mình phát hiện mình bị tiểu đường thai kỳ, mức đường cao tới nỗi chế độ ăn uống kiêng khem đường không hiệu quả, do đó mình phải thử máu và chích insulin trước và sau mỗi bữa ăn. Chế độ ăn uống cũng phải rất khắt khe theo đúng chỉ định của bác sĩ, phải ghi chép lại khẩu phần ăn uống mỗi bữa vào 1 quyển sổ và hàng tuần phải đi khám, trình diện cho bác sĩ theo dõi. Đây là một hành trình mà mình thấy gian nan nhất trong quá trình sinh của cả 3 đứa. Hai đứa trước dù có sự cố này sự cố kia nhưng cả hai đều không bị tiểu đường thai kỳ, đến bé thứ 3 này có lẽ do tuổi đã cao nên chức năng lọc không còn tốt nữa, dẫn đến bị tiểu đường. Đến bây giờ mỗi lần nghĩ lại chế độ kiêng khem trong thai kỳ, việc chích tay lấy máu mỗi sáng, trước và sau mỗi bữa ăn, ngày 4 lần và 3 lần tự chích insulin vào bụng là mình vẫn còn thấy ám ảnh.

Khi sinh tại bệnh viện.

Đến tuần thứ 37, khi đi khám thai thì bác sĩ thấy các chỉ số không bình thường do lượng đường quá cao mà thai nhi có vẻ phát triển chững lại. Bác sĩ liền hỏi nếu hôm nay sinh thì có ok không? Lúc đó mình choáng váng tưởng bác sĩ nói đùa. Vì bên này chỉ có 2 vợ chồng, 2 bé thì còn nhỏ, chồng thì đi làm, dự tính là sẽ làm tới ngày cuối cùng của thai kỳ rồi mới xin nghỉ phép để được nghỉ nhiều hơn sau sinh, vậy mà bây giờ bác sĩ hỏi thế biết trả lời thế nào?

Bác sĩ liền bảo bây giờ gọi điện cho chồng hỏi xem có thể sắp xếp được không? Nếu được thì sáng mai lên khám rồi bác cho nhập viện sinh luôn chứ em bé không tiếp thu được chất dinh dưỡng truyền qua mẹ nữa, chỉ số tăng trưởng đã đứng lại. Bước ra khỏi phòng khám, mình bàng hoàng không biết phải làm thế nào, việc học cũng chưa xong, môn học đang dang dở, ông xã thì chưa báo công ty không biết sẽ xin nghỉ thế nào. Gọi điện cho chồng mà chồng cũng hoang mang….

Tối đó về, hai vợ chồng bàn nhau thôi thì cứ phó thác chứ cũng không biết thế nào. Mai cứ sắp xếp lên khám rồi nhập viện thôi. Tới lúc đó rồi gọi điện báo cho công ty xin nghỉ đột xuất chứ giờ cũng không biết nói làm sao. Thế là sáng hôm sau hai vợ chồng đưa con đi học xong xách giỏ lên bệnh viện, khám xong bác sĩ nói phải nhập viện để giục sinh bằng phương pháp nhân tạo để cho em bé ra sớm 2 tuần.

Các y tá hỗ trợ, làm thủ tục và đặt thuốc, tới chiều tối cũng chưa có dấu hiệu nên chồng phải về đón con và chăm sóc cho 2 bé, sáng hôm sau lại cho các con đi học và vào bệnh viện với mình, tối đó cũng chưa có dấu hiệu sinh, tuy nhiên tới khoảng 12h đêm thì bệnh viện gọi phải có người nhà vô để ký giấy tờ chuẩn bị sinh, vậy là anh phải bỏ 2 đứa nhỏ ở nhà một mình, chạy vào ký giấy tờ, khoảng 4h sáng thì mình bắt đầu đau bụng nhiều. Tuy nhiên chồng lại phải về với con và đưa con đi học. Tới 10h sáng thì mình đã đau rất nhiều và chuẩn bị sinh, tuy nhiên tới hơn 12h thì An mới ra đời sau hơn 2 tiếng vật vã. Đã có lúc bác sĩ tưởng không thể sinh thường được vì rặn quá lâu, các y tá sợ em bé bị ngộp nên xin phép hội chuẩn với các bác sĩ để mổ. Khi các bác sĩ hội chuẩn xong, lên chuẩn bị đẩy mình đi mổ thì bác sĩ kêu ráng rặn một đợt nữa xem sao, cả 2 bác sĩ và 2 y tá lúc đó cùng trong phòng, bác trực tiếp ấn và phụ đẩy em bé, cuối cùng thì em cũng chịu cất tiếng khóc chào đời, câu mà mình ấn tượng nhất là các y tá đỡ đẻ liên tục nói: “you did great” và khi em bé vừa ra đời, mọi người đồng thanh “Happy birthday”. Câu này mình hay hình dung người ta chỉ nói trong ngày tổ chức sinh nhật thôi chứ không nghĩ sẽ nghe trong ngày mình sinh em bé.

Khi sinh An, không có bất kỳ ai thân thích, cũng không ai bên cạnh để giúp, Khanh và Nghi còn nhỏ nên không thể ở nhà một mình, vậy nên anh phải chạy lên chạy về bệnh viện, bữa sinh, đành nhờ mẹ Bell (bạn của Nghi ở trường) đón Khanh Nghi, cho ăn, chăm sóc, bữa sau cô ấy còn đem đồ ăn qua cho mình. Thật cảm động và biết ơn.

Em bé sơ sinh 1 ngày tuổi đây

Sau khi sinh

Sau khi sinh mình được nằm da kề da với bé ngay, xong khoảng 1 tiếng các bác sĩ đo các chỉ số xong, tắm rửa cho em bé và các thủ thuật với mẹ đã xong thì các y tá bắt mình đi ….tắm. Vừa mệt vừa đau, mình kêu thôi để tao tắm sau, các y tá ở đây có vẻ ngạc nhiên lắm, kêu mày không tắm à? Mình lúc đó ngồi dậy còn không muốn nổi, đau không thể tả, thuốc tê đã hết nên tay chân bủn rủn, phản ứng phụ của thuốc khiến mình nôn thốc nôn tháo, đầu óc choáng váng, đứng còn không nổi chứ tắm rửa gì. Kêu để sau tao về phòng tắm sau. Hơn 1 ngày 1 đêm vật vã chả được ăn gì, bụng trống rỗng, thèm 1 tô cháo nóng, liền hỏi mày có gì cho tao ăn không? Các y tá rất tận tình niềm nở, mày về phòng đi rồi bên phòng sẽ đem đồ ăn cho. Về phòng được 1 lúc mới thấy đẩy đồ ăn vô, đang hí hửng thì thấy 1 cái sandwich lạnh, 1 hũ yagout, 1 đĩa gỏi salad và 1 đĩa trái cây. Làm gì mà nuốt nổi mấy thứ đó. Lúc đó chồng đã phải về đón con rồi. Đang nằm vừa mệt vừa đói thì y tá lại thò vào, hỏi “mày đã tắm chưa????🙂

Đến tối thì chồng chở 2 chị lên thăm em, hỏi sao lâu vậy thì anh kêu nấu cho em tô cháo. Vì nấu gấp quá nên cháo thấy toàn cơm là cơm với lỏng bỏng nước, tuy nhiên húp 1 tô cháo nóng như thế ngon gấp bao nhiêu lần ăn sandwich lạnh.

Hai chị lên thăm em đây này em ơi…

Quy tắc ở Úc là sinh xong nếu mọi việc ok hết, con được chích ngừa đầy đủ thì trong vòng 24h từ lúc sinh là sẽ cho xuất viện. Trong suốt thời gian ở bệnh viện người nhà chỉ được vào thăm theo giờ chứ không ai được ở lại chăm bà đẻ như ở Việt Nam. Mọi việc dù mới sinh xong cũng phải tự làm hết, nếu có chuyện gì hay cần gì thì gọi y tá. Vậy nên từ 8h sáng ngày hôm sau là bệnh viện làm các thủ tục để xuất viện, đo các chỉ số cho em bé, thanh toán các hóa đơn, làm các giấy tờ thủ tục, chi phí bệnh viện và sinh hết hơn 50 ngàn đô Úc. Tuy nhiên, An sinh được bảo hiểm chi trả hết, y tá bác sĩ trong bệnh viện tận tình lịch sự làm cả 2 vợ chồng rất cảm kích và ngưỡng mộ và biết ơn. Chào mừng con gái đến với cuộc sống này vào tháng 9 năm 2019.

Con được đo các chỉ số

Sau khi về nhà, hàng ngày đều có y tá tới nhà đo khám cho mẹ và cho bé, có thêm y tá tới hướng dẫn cho mẹ chăm sóc bé, có bên bộ phận nuôi con bằng sữa mẹ tới hỗ trợ và hướng dẫn, sau đó chuyển qua bên các dịch vụ khám trong khu mình ở. Nói chung hệ thống chăm sóc y tế rất tốt, các dịch vụ đều miễn phí.

Cái khó khăn của mình là sau khi sinh mình không có ai phụ nên mọi việc đều phải tự làm, chồng chỉ nghỉ phép 1 thời gian nên sau đó mình phải xoay sở hết. Sau sinh, mình bị hội chứng ống cổ tay nên tay bị tê từ hồi mang thai vẫn không hết, 2 tay tê cứng không có cảm giác gì, mỗi lần thay áo hay thay tã cho con là chỉ làm theo bản năng chứ không có cảm nhận gì cả. Song song đó, có lẽ vì phản ứng phụ của việc gây tê màng cứng hay sao đó mà mình bị đau lưng khủng khiếp, có những đợt không thể cúi nổi, đau cứng cả người. Chưa kể việc học cũng vẫn phải tiếp tục, nên hầu như đêm nào cũng thức trắng, con thì cứ khoảng 2 tiếng lại dậy bú, rồi ru ngủ, rồi hút sữa, rồi ngồi gõ luận văn bằng 10 ngón tay tê cứng. Ròng rã như thế khoảng 1 năm cho tới tháng 9 năm 2020 khi con vừa thôi nôi thì mình nhận bằng tốt nghiệp Master loại giỏi. Tấm bằng đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt đúng nghĩa của nó.

Con mừng cho mẹ đây

Cảm ơn cả gia đình thân yêu

Cảm ơn chồng và các con, những người luôn bên cạnh và vất vả nhất trong suốt hành trình gian nan này. Đổi lại, bé An càng lớn càng xinh xắn, mạnh khỏe, thông minh, tình cảm và đáng yêu. Yêu con và gia đình mình.