Mình ban đầu qua Úc là học Master, sau đó mình cũng có cơ hội học thêm ở nhiều loại trường khác nhau như Cao Đẳng, Trường nghề của nhà nước, trường nghề tư nhân, Certificate III, IV, một số khoá ở các trung tâm huấn luyện và dịch vụ ngoài. 3 bé nhà mình ở 3 độ tuổi khác nhau nên các bậc học cũng khác nhau: dưới tiểu học cũng có, tiểu học cũng có và trung học cũng có. Do đó hầu như mình trải nghiệm và tìm hiểu về hầu hết các bậc học tại Úc và có một số kinh nghiệm đáng quý. Bài chia sẻ về bậc tiểu học mình đã nói trong bài viết trước, bài này sẽ là về bậc Trung học (high school). (Tham khảo hệ thống giáo dục ở Úc tại hình số 1-Nguồn: bộ giáo dục Úc)
Ở Úc, trường trung học thường được chia làm 3 loại:
- Trường công lập (Public school) Đây là hệ thống trường công lập của nhà nước. Trường này được điều hành bởi tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ của Úc. Học sinh sẽ thường học hệ thống trường này tùy vào khu vực đia lý mà mình ở (giống như kiểu đăng ký hộ khẩu thường trú ở Việt Nam vậy). Trường công thường miễn phí, phụ huynh thường chỉ phải đóng khoảng gọi là “Voluntary contribution” như kiểu đóng góp tự nguyện vậy. Ngoài ra còn một số chi phí cá nhân khác như tiền đồng phục, tiền chi phí cộng thêm cho môn học, chi phí dã ngoại hay học bơi, tuy các khoản này không nhiều. Các trường học bên Úc thường không cung cấp các dịch vụ về ăn uống, nên hầu hết học sinh đi học sẽ gói đồ ăn đem theo. Trường sẽ có canteen và khu vực ngồi ăn cho học sinh, tuy nhiên rất ít khi có dịch vụ ăn uống vì quy định an toàn thực phẩm bên này rất gắt gao, đặc biệt là tỷ lệ bị dị ứng thực phẩm rất nhiều. Ở trường con mình học thì canteen ở trường tiểu học chỉ bán đồ ăn sẵn 1 tuần 1 lần, trường trung học thì ngày nào cũng bán nhưng số lượng đồ ăn và món ăn rất hạn chế, chỉ bán sẵn một số đồ ăn nhanh như kiểu sushi, hamburger, chip, snack đóng gói hay sandwich thôi. Nếu muốn mua những đồ ăn này phải đặt trước, hoặc order online trước ngày đi học, hoặc order sáng ngày đi học, sẽ có giờ “cut time” tức là sau giờ đó thì không đặt được nữa. Lý do là toàn bộ đồ ăn đó họ phải đặt ở cơ sở cung cấp được duyệt và cấp giấy phép chứ không được tự nấu. Hầu hết không có trường học nào có dịch vụ nấu ăn trong trường cả.
- Trường tư nhân: (Private school) Bên cạnh hệ thống trường công, các trường tư nhân cũng có nhưng không phổ biến lắm. Cả hai hệ thống trường tư và trường dòng đều không thuộc quyền sở hữu và điều hành bởi tiểu bang hay vùng lãnh thổ. Trường này nếu muốn học cha mẹ phải đăng ký theo đợt chiêu sinh của trường, phải đóng học phí (học phí trung bình dao động từ khoảng 20.000 – 40000 đô la Úc trong môt năm tùy theo trường). Ngoài mức học phí này, mức chi phí thêm như tiền đồng phục, phụ phí môn học, dã ngoại cũng sẽ mắc hơn mức phí ở trường công. Công dân hay thường trú nhân Úc thường sẽ đóng học phí ở mức rẻ hơn so với sinh viên quốc tế.
- Trường dòng (thường là trường dòng của nhà thờ) (Catholic schools) Trường dòng là một dạng khác của trường tư nhưng thường gắn với tôn giáo và có hệ thống quản lý chặt chẽ và hệ thống hơn trường tư tư nhân. Đây là hệ thống trường rất phổ biến ở Úc và được rất nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn. Học phí ở trường dòng (đạo) dao động nhưng thường mắc hơn trường tư thục bình thường một chút. Học sinh học ở đây không bắt buộc phải có đạo hay phải theo đạo. Tuy nhiên môi trường học tập ở loại trường này sẽ kỷ luật và an toàn hơn các trường bình thường khác. Trường cũng hay có các chương trình học bổng và hỗ trợ học phí cho học sinh.
- Ngoài 3 loại trường nêu trên, ở Úc còn có một loại trường khác gọi là “Gifted and Talented Program” hiểu nôm nay giống như trường chuyên năng khiếu bên Việt Nam vậy. Đây là những trường chuyên riêng biệt đặc thù dạy một số chương trình đặc biệt, học sinh vẫn được học những môn cơ bản, đồng thời sẽ học khá nhiều về môn năng khiếu mà học sinh lựa chọn. Học sinh khi đậu chương trình này sẽ được học hoàn toàn miễn phí, chỉ phải đóng một khoản nhỏ các chi phí phát sinh khác như đồng phục, phụ thu môn học đặc biệt, một số sách vở chuyên biệt. Vì bé lớn nhà mình học chương trình này nên mình có một số kinh nghiệm trong mảng này. Để được tham gia tuyển và học theo chương trình này từ năm đầu tiên của trung học vào năm lớp 7 thì vào năm lớp 4, mình phải đăng ký để cho con dự thi tuyển. Quá trình đăng ký khoảng từ 3-6 tháng, trường tiểu học bé học sẽ có thông báo học sinh nào muốn thi chương trình GAT thì đăng ký. Sau đó tới năm lớp 5 các con sẽ được thông báo lịch thi lý thuyết. Kỳ thi lý thuyết này là nền tảng để họ chọn sinh viên cho các vòng tiếp theo. Mỗi năm họ sẽ ra mức điểm chọn khác nhau tùy theo tiêu chí của năm đó. Học sinh sẽ làm một bài thi bằng giấy tổng hợp có hơn 100 câu hỏi ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, có phần thi trắc nghiệm, có phần thi hỏi đáp, có phần thi phác họa sơ đồ hay vẽ gì đó, cũng có những phần thi tính nhanh hay thử khả năng phân tích của con. Tỷ lệ chọi cho kỳ thi lý thuyết này năm con mình thi là 1/80. Nghĩa là khoảng 80 bé sẽ có 1 bé được chọn. Sau đó sẽ có một kỳ thi workshop, ai theo bên mảng nghệ thuật sẽ cần phải thi trình diễn, như hát, vẽ, múa bale, kịch nghệ….Mỗi học sinh sẽ được chọn 3 thứ tự ưu tiên. Ví dụ bé nhà mình năm đó đăng ký là : Lựa chọn ưu tiên 1 : Media Art ( truyền thông) Lựa chọn ưu tiên 2 : Flute (Sáo) Lựa chọn ưu tiên 3 : Visual Art (vẽ) Vậy nên khi thi tuyển, con sẽ phải thi cả 3 mảng đó trong phần workshop, ví dụ mảng Media Art con sẽ phải làm những bài tập về chỉnh sửa video, làm lời thoại cho 1 video, hay chỉ là những bài tập bằng giấy họ hỏi kiến thức và cách xử lý một công việc. Phần Sáo và vẽ thì con phải gửi trước 3 tác phẩm của mình, sáo thì tự chọn bài, trình bày và quay video gửi cho trường, vẽ thì lên vòng workshop trường sẽ cho khoảng 3 tiếng để hoàn thành bài thi gì đó. Sau vòng workshop sẽ là vòng phỏng vấn, một số học sinh sẽ được chọn từ vòng workshop để đi tiếp vô vòng phỏng vấn với nhà trường và giáo viên chuyên môn. Ví dụ họ sẽ bắt phải trình bày lại hay bắt thi thử một bài mới mà họ ra đề, rồi phỏng vấn tại sao muốn học chương trình này, có cam kết hay không, mục tiêu sở thích là gì…. Quá trình thi lý thuyết và các vòng này kéo dài gần 1 năm khi các con học lớp 5, tới đầu năm lớp 6 thì họ sẽ thông báo ai sẽ đâu và được chọn cho chương trình này vào năm lớp 7 năm sau. Một trong những những lý do mà mình nghĩ họ làm sớm như vậy là để những học sinh rớt chương trình này sẽ có đủ thời gian để giữa năm lớp 6 đăng ký cho nguyện vọng muốn vào trường trung học nào. Tỷ lệ chọn từ vòng thi lý thuyết cho tới khi được chọn vào lớp chọn năm con mình thi là 1 trên 126. Nghĩa là có 126 bé thì 1 bé sẽ được chọn. Đây là một tỷ lệ khá cao so với tỷ lệ thi đại học thông thường. Sở dĩ tỷ lệ này cao là do đây là chương trình năng khiếu, mỗi một môn như thế thường chỉ có 1 lớp khoảng 30 em, cả bang thường mỗi một ngành như vậy chỉ có một trường dậy, do đó học sinh muốn học phải cân nhắc nhiều thứ, vì nhiều khi nhà mình ở rất xa trường dạy cái môn mà mình muốn thi. Bé mình đủ điểm để vô nguyện vọng 1 nhưng bé vẫn học luôn nguyện vọng 2 vì trường đó là trường về Art nên họ có lớp cho cả 2 chương trình đó song song. Bé học ở đó 3 năm từ năm lớp 7 tới năm lớp 9 và rất vui và hài lòng với chương trình học ở đây. Khi hết nủa năm lớp 9 thì gia đình mình chuyển sang Mỹ nên bé dừng chương trình này. Chương trình học trung học thường họ chia ra làm 2 giai đoạn, từ lớp 7-9 và 10-12. Đây là 2 giai đoạn khá khác nhau, giai đoạn đầu hầu như là giai đoạn chuyển tiếp từ tiểu học lên, là bước đệm chuẩn bị cho các con một số kỹ năng, vì học tiểu học ở Úc rất thoải mái và nhàn nhã, chủ yếu là chơi nên giai đoạn đầu này họ hướng dẫn cho các con các kỹ năng mềm và tăng khối lượng học lên để khi qua giai đoạn sau của trung học, các con thực sự sẵn sàng cho việc tự học và nghiên cứu. Khối lượng bài học và dự án mà các con làm ở trung học nhiều hơn rất nhiều so với tiểu học, vừa về khối lượng và vừa về độ khó. Các dự án, các nghiên cứu và các bài luận theo chủ quan của mình là khá khó so với độ tuổi. Tuy nhiên do các con đã được làm quen và chuẩn bị nên cũng nằm trong khả năng của các con. Dù sao thì khi lên trung học, các con sẽ phải tự lập, tự học và tự ý thức rất nhiều, nếu không sẽ khó theo kịp chương trình học.