Công viên tại Úc có lẽ là một niềm tự hào và cũng là “thương hiệu” của cả chính phủ và của người dân Úc. Và công viên tại Úc có lẽ cũng là thứ mà mình được “hưởng thụ” nhiều nhất khi ở đây. Chính vì thế, viết về công viên tại đây là điều khiến cho Tôi có khá nhiều cảm hứng và lòng biết ơn.
Trước tiên, nói một chút về nơi đây. Tây Úc là một vùng đất rất rộng lớn, rộng hơn đất nước Việt Nam tới hơn hai chục lần (7,617,930 km2). Khí hậu không quá nóng cũng không quá lạnh, một năm có 4 mùa rõ rệt. Mùa hè tương đối nóng và khô, còn lại các mùa khác khi hậu tương tự như Đà Lạt mặc dù lượng mưa hàng năm rất ít. Mùa đông không lạnh, không có tuyết, trời trong xanh quanh năm. Cây cối cũng có khá nhiều loài cây lá kim như thông, bạch đàn và rất nhiều loại cây bản địa. Do đó khi mới qua đây, mình thấy rất ấn tượng và có nhiều cảm tình vì mình thấy được nơi đây giống như Đà Lạt thứ 2 vậy. Chính vì thế mà mình rất yêu nơi này.
Nói sơ sơ một chút về khí hậu và không khí nơi đây để thấy rằng, 1 năm 4 mùa ngày nào cũng có thể thơ thẩn ngồi ở công viên, dù là mùa hè nóng hay mùa đông. Vì mùa đông thì không quá lạnh, nhiệt độ chỉ từ khoảng 5-20 độ C, nắng vàng chói chang nên dù lạnh vẫn có thể chơi mọi trò chơi trong công viện và nằm dưới bóng cây đọc sách hay phơi nắng.
Mùa hè thì nóng cỡ như ở Sài Gòn, có điều độ ẩm ở đây rất thấp nên cái nắng có cảm giác rát hơn, tuy nhiên ngồi dưới những bóng cây cao rợp bóng trong công viên bên cạnh cái hồ nước thì không có gì bằng. Chưa kể mùa hè trời nắng tới 8h tối, nhà nhà xách bạt xách lều và đồ ăn thức uống ra công viên nướng BBQ thì không còn gì tuyệt hơn. Điều đặc biệt trong các công viên ở Úc đó là bất cứ công viên nào cũng có khu vui chơi cho trẻ em, khu vực chơi cát và các trò chơi vận động cho các bé. Hầu hết các công viên đều có khu vực bàn ghế ngồi và các lò nướng BBQ miễn phí để dân có thể đem đồ ăn tới nướng và làm tiệc tại công viên. Không cần phải là tiệc tùng linh đình, hàng ngày người dân, các hộ gia đình nhỏ cũng ngồi ăn tối ở công viên là một hình ảnh rất thường thấy.
King Park – Perth. Source: Western Australia.com
Mardalup Park – WA. Source: bgpa.wa.gov.au.2022
King Park – Perth. Source: bgpa.wa.gov.au
Nói về số lượng có lẽ là điều mình ấn tượng nhất với công viên nơi mình ở. Ở Perth có công viên King Park nằm trong lòng trung tâm thành phố được ghi nhận là công viên trong nội ô lớn nhất trên thế giới. Cũng trong phố còn có Queen Park, Central Park, City Park, Perth Mint, Hyde Park …
Queen Park – Perth. Source: heritageperth.com.au. 2022
Harold Boas Gardens – Perth. Source: bgpa.wa.gov.au.
Ngoài ra rải đều ở tất cả khu dân cư còn có rất nhiều công viên nhỏ hơn. Công viên ở đây được quy hoạch với tiêu chuẩn trong vòng bán kính dưới 1km đều có ít nhất 2-3 công viên để người dân có thể đi bộ một cách dễ dàng nhất. Xen kẽ vào đó là các khu Reserve ( đại loại là khu bảo tồn với rất nhiều các loài cây và hoa bản địa. Có rất nhiều cây và hoa mà mình thấy lần đầu tiên trong đời) hầu như có cách nhau mỗi bán kính khoảng 3km.
Wellington Square Playground – Perth
Phía trong các khu bảo tồn này đều có đường đi bộ được lát bằng xi-măng để người dân có thể đi xuyên qua để đi dạo, tập thể dục. Khu vực mình ở là City of Melville (đơn vị hành chính giống như quận của Việt Nam), có diện tích 53 km vuông (tương đương quận 2-tp HCM) được chia nhỏ thành 6 phường, với dân số 102.393 người, 41.285 hộ dân mà có tới 200 công viên và khu bảo tồn, 778 ha đất công cộng và 295 ha đất cây xanh khác, có tổng cộng 26 khu vui chơi, 2 sân golf và 3 trung tâm giải trí, 4 bảo tàng, 6 thư viện.
Tại những khu vực vui chơi, sân gold hay bảo tàng, thư viện thường có khuôn viên rất rộng, giống như nằm giữa rừng với rất nhiều cây xanh và bóng mát, trong các khu đó thì lại có rất nhiều khu vui chơi nhỏ khác cho trẻ con. Do đó, trẻ con ở đây (và cả người lớn) đều rất thích các trò chơi ngoài trời chứ rất ít khi chơi trong nhà hay các khu vui chơi trong nhà.
3 bé nhà mình rất thích đi công viên chơi, có rất nhiều cơ sở vật chất cho các trò chơi thể thao ở các công viên để các con có thể tập luyện như khu vực cricket, sân bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bóng bầu dục… Lịch đi công viên là lịch cố định của bé nhỏ nhà mình (2.5 tuổi), mỗi ngày đều có 2 giờ đi công viên, buổi sáng và buổi chiều. Bé đi từ lúc mấy tháng cho tới giờ nên hầu như nhuần nhuyễn tất cả các trò trong công viên. Thao tác và kỹ năng thăng bằng của con cũng đuợc phát triển rất tốt.
Đi công viên từ lúc con còn trong bụng mẹ
Có thể tham khảo thêm về công viên và nơi mình ở theo trang web của council sau:
https://www.melvillecity.com.au/our-city/about-our-city
https://www.melvillecity.com.au/things-to-do/find-venues-parks-and-reserves
Đặc biệt, công viên là nơi hàng ngày mọi người đi tập thể dục kèm theo dắt chó đi dạo. Chó ở đây theo quy định là mỗi ngày đều được cho ra ngoài, hầu như nhà nào cũng đều nuôi 1-2 con chó, tuy nhiên chó rất hiền, rất thân thiện, ít khi nào sủa hay cắn nhau. Thấy người lạ cũng rất thân thiện. Vấn đề vệ sinh của các “ẻm” và vệ sinh chung cũng được quy định rất gắt gao nên công viên lúc nào cũng sạch đẹp.
Quy trình chăm sóc và dọn dẹp công viên cũng rất kỳ công và thú vị. Hầu như mỗi tuần đều có người bên Council tới chăm sóc cho công viên, từ việc cắt cỏ, dọn rác, (tưới nước thì đã có hệ thống tưới tự động mỗi sáng sớm) cho tới dọn cát trong các khu vui chơi, dò kim loại cứng hay vật sắc nhọn, tỉa cây, cắt cành dễ gãy, rửa dọn đường đi bộ trong công viên, quét đường, quét lá hay trồng thêm cỏ. Ngoài ra thì ý thức của người dân cũng rất cao, ít khi nào có ai xả rác, thỉnh thoảng còn thấy mấy ông bà đi tập thể dục cầm thêm cái bịch để nếu có thấy rác thì lượm bỏ vô đem vô thùng rác 😊. Thấy thật dễ thương và cảm kích. Vì thế nên mỗi lần ngồi công viên, thấy lòng thật bình an và trân trọng.