Cách tổ chức và sinh hoạt của 1 buổi Assembly (Giống như buổi tập trung chào cờ ở Việt Nam).
Việc này là điều mình ấn tượng nhất khi mới qua Úc và cho con đi học tại đây. 2 tuần 1 lần sẽ có 1 buổi Assembly do 1 lớp trong trường phụ trách. Trường sẽ chia lịch ra sẵn trong năm lớp nào sẽ phụ trách buổi nào và thông báo cho thầy cô, học sinh và phụ huynh biết. Sau đó các lớp sẽ tự lên ý tưởng, luyện tập và chuẩn bị cho buổi đó.
Cấu trúc của 1 buổi Assembly trong 1 tiếng thường sẽ là:
1. Phần chào cờ và đọc statement của trường
2. Phần biểu diễn của cả lớp
Phần biểu diễn này bao gồm nhiều thể loại (nhạc, kịch, múa hát hay bất cứ cái gì lớp và thầy cô muốn làm, các con được thoả thích sáng tạo) trong khoảng 20 phút. Thường thì sẽ là truyền tải 1 thông điệp gì đó, hoặc phù hợp với mùa trong năm, ví dụ mùa hè sẽ làm 1 buổi múa hát chủ đề đi biển, mùa xuân sẽ là dã ngoại vườn hoa…. Cái hay nữa là để luyện tập cho phần này, giáo viên sẽ tự sắp xếp thời gian để các con chuẩn bị và luyện tập, từ đạo cụ, hoa lá hay phục trang đều do các con và cô giáo chuẩn bị, nếu cần áo màu hay váy hay gì đó thì giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh để chuẩn bị sẵn, sau đó tự tập với nhau. Thời gian tập giáo viên cũng có thể tự lấy bất cứ phần nào trong ngày, vì hàng ngày không phải theo cố định giáo án bắt buộc.
3. Phần thứ 3 sẽ là phát biểu, dặn dò, thông báo của cô hiệu trưởng.
4. Phần thứ 4 là phát giấy khen.
Phần này thường được cô hiệu trưởng phát cho từng bạn trong từng lớp đã có “thành tích” tốt trong 2 tuần qua. Vì học ở đây không chấm điểm và không xếp hạng nên việc phát giấy khen này là phần rất thú vị. Mỗi Assembly mỗi lớp sẽ có 2 bạn được giấy khen do giáo viên chọn. Và “thành tích” để được rất khác nhau, được khen vì con cười nhiều, vì con hay giúp bạn, vì con có nhiều cố gắng, vì con chơi hoà đồng với các bạn…Có cả trăm lý do cô gíao có thể ghi lên giấy khen, mà mục đích chính mình nghĩ là để cho tất cả các bạn xoay vòng trong năm thế nào cũng tới lượt mình được giấy khen. Đây là điều mình thấy rất hay. Họ hay tìm mọi cách để khen ngợi, để động viên và khuyến khích các con. Không hề bao giờ thấy la mắng hay kỷ luật, lại càng không to tiếng chửi bới. Chỉ có khen nhiều hoặc ít khen thôi. Điều này sẽ xây dựng sự tự tin trong các con rất lớn.
5. Phần tiếp theo là phát “thưởng” cho Faction nào về nhất trong 2 tuần qua.
Trong các trường nhà nuóc ở Úc, các học sinh thi đua với nhau theo Faction (Áo đỏ, xanh, vàng, xanh dương. Mỗi Faction đều có học sinh của tất cả các lớp từ Mẫu giáo cho tới lớp 6 nên các lớp thường sẽ không thi đua với nhau và thi đua theo Faction). Ngoài ra còn có giải lớp nào đoạt giải đi học chăm chỉ. “Phần thưởng” thường không phải là hiện vật mà là 1 buổi coi phim tại lớp, 1 ngày mặc tự do hay 1 buổi chơi trong giờ học của các con.
6. Phần tiếp sẽ là những thông báo hay nhắc nhở khác.
7. Nhảy múa tập thể.
Cuối cùng của buổi Assembly luôn là 1 bài nhạc “Community Song” rất sôi động để gíao viên và học sinh nhảy theo. Các bài nhạc này các con đều được nhảy trong giờ học Music rồi nên tất cả đều biết nhảy. Mọi người đều nhảy theo rất hào hứng.
Điểm đặc biệt trong một buổi Assembly đó là toàn bộ việc “host” của buổi này đều do các bé và giáo viên làm mà chủ yếu là các bé. Giáo viên là đạo diễn, còn lại các con sẽ làm hết. Việc dẫn chương trình sẽ được chia đều cho tất cả các học sinh. Vậy nên tất cả các con đều có cơ hội đứng nói trước toàn trường (dù là lớp mẫu giáo). Đây là điều mà mình ấn tượng nhất. Năm đầu tiên bé Nghi nhà mình làm là năm con lớp 1, tiếng Anh mới qua còn bỡ ngỡ, lạ trường, lạ lớp. Vậy mà vẫn được giao 1 đoạn để vừa giới thiệu, vừa dẫn dắt buổi này. Các con có thể cầm giấy để đọc, thuộc đuợc thì tốt, không đọc vấp, sai cũng không sao. Điểm mấu chốt là để cho các con có cơ hội được tập sự tự tin, đứng trước toàn trường phát biểu, và tất cả các bé đều được như vậy. Cứ như vậy, năm này qua năm khác, khi xong tiểu học, các con có thể tự tin đứng dẫn chương trình trong bất kỳ 1 buổi tiệc hay 1 workshop nào mà không ngại ngần hay e dè gì.
Ngoài ra, việc phụ trách âm thanh, âm nhạc, chuẩn bị cho buổi Assembly đều do các học sinh khác phụ trách. Các phần khó hơn thì các anh chị lớp 5, 6 sẽ giúp. Đội này gọi là “School Leaders” mà có cơ hội mình sẽ viết trong 1 bài khác. Chỉ biết là bé Khanh nhà mình sau 2 năm nằm trong đội này thì tất cả các kỹ năng mềm như “leadership, serving skills hay kiến thức về các cách làm việc nhóm và chỉnh âm thanh, nhạc đều tốt lên rất nhiều.
Quản lý thời gian cũng là 1 điều rất ấn tượng. Buổi Assembly luôn được bắt đầu rất đúng giờ. Thường thì các con sẽ tập trung tại lớp, sau đó từng lớp xếp hàng đi ra ngay ngắn, ngồi vào đúng vị trí giáo viên chỉ cho lớp mình. Thường lớp 1-3 mỗi bé sẽ cầm theo 1 miếng lót trong lớp để ngồi bệt xuống đất, miếng lót này có sẵn trong lớp, các anh chị lớn hơn sẽ cầm theo cái ghế nhựa mà mình ngồi trong lớp, mỗi em bưng 1 cái đi theo hàng ra hội trường. Khi họp xong, mỗi bé lại bưng ghế của mình về lớp, rất ngay ngắn và gọn gàng mà không phải mất công đoạn xếp ghế hay chuẩn bị. Ghế cho phụ huynh sẽ được các bạn school leaders chuẩn bị và dọn dẹp sau khi xong. (Vậy nên làm School Leaders chủ yếu là đi phục vụ người khác chứ không có “đặc quyền” gì. Chưa kể mỗi bữa ăn trưa, khi tới phiên mình “on duty” còn phải ăn sau để đi “canh” các em nhỏ xem có chuyện gì xảy ra không? Ăn trưa ở đây là tự túc, các bé tự đem đồ ăn đi và tự ra khu vực ăn chứ không liên quan tới giáo viên, cũng không có ai quản lý, chỉ có 1 giáo viên và vài anh chị School Leaders “on duty” đi vòng vòng chăm sóc xem có sự cố gì không thôi) Trong các buổi Assembly, các phụ huynh được chào đón để tham dự. Nếu học sinh nào được giấy khen trong tuần đó thì giấy mời được gửi tới tận nhà cho phụ huynh để mời chứng kiến lúc các con được phát giấy khen. Ngoài ra lớp nào tổ chức Assembly thì phụ huynh các bé thường sẽ có mặt đầy đủ để coi các con biểu diễn. Đây là lý do mà mình đã đề cập đó là thường gia đình ở Úc hay có 1 người không đi làm vì họ rất coi trọng những dịp như thế này và họ hay tham dự rất đầy đủ.
Xem bài về các hoạt động khác ở trường tiểu học tại đây.
1 thought on “Cách tổ chức và sinh hoạt của 1 buổi Assembly ở trường tiểu học Tây Úc”
Comments are closed.