Giáo dục ở Úc – Phần 1: Thú vị bậc tiểu học

Mình ban đầu qua Úc là học Master, sau đó mình cũng có cơ hội học thêm ở nhiều loại trường khác nhau như Cao Đẳng, Trường nghề của nhà nước, trường nghề tư nhân, Certificate III, IV, một số khoá ở các trung tâm huấn luyện và dịch vụ ngoài. 3 bé nhà mình ở 3 độ tuổi khác nhau nên các bậc học cũng khác nhau: dưới tiểu học cũng có, tiểu học cũng có và trung học cũng có. Do đó hầu như mình trải nghiệm và tìm hiểu về hầu hết các bậc học tại Úc và có một số kinh nghiệm đáng quý. Đầu tiên là về bậc tiểu học.
Bậc tiểu học có lẽ là bậc học nhiều niềm vui và thú vị nhất ở Úc. Bậc tiểu học bắt đầu từ cấp mẫu giáo tức là từ năm bốn tuổi các bé sẽ được học hai năm mẫu giáo trước khi vào lớp một. Bên Úc còn gọi là Kindy và Pre-Primary. Sau đó các lớp học sẽ chia ra từ lớp một tới lớp sáu và kết thúc năm lớp sáu là các con sẽ tốt nghiệp tiểu học.
Bậc học này là để các con làm quen trường lớp và vui chơi, học các kỹ năng mềm, học các kỹ năng về tương tác xã hội chứ không chú trọng quá nhiều thứ kiến thức và nội dung học thuật. (Tham khảo hệ thống giáo dục ở Úc tại hình số 1-Nguồn: bộ giáo dục Úc)
Hệ thống giáo dục ở Úc
Một năm học tại Úc bắt đầu từ tháng 2 hàng năm, sẽ được chia làm bốn học kỳ nhỏ mỗi học kỳ có 10 tuần. Sau mỗi học kỳ sẽ có hai cho tới ba tuần nghỉ giữa học kỳ đó là kỳ nghỉ xuân hè thu và đông. Kỳ nghỉ dài nhất là kỳ nghỉ hè từ tháng 12 cho tới tháng hai.
Giờ học thường bắt đầu lúc 09.00 và kết thúc lúc 03.00. Tuy nhiên mỗi trường sẽ có những thay đổi nhỏ về giờ giấc, có thể là bắt đầu lúc 08.40 hoặc 08.50 và kết thúc lúc 02.30 hoặc là 02.40 tùy vào sự sắp xếp của trường và thỏa thuận với bên hội phụ huynh để thuận tiện nhất cho thầy cô giáo và các con. Chính vì thế việc đưa đón con đi học ở Úc là một điều khá đặc biệt vì hầu hết các bậc cha mẹ sẽ có một người đi làm cả ngày và một người ở nhà chăm sóc các con cũng như làm các công việc nhà. Hoặc là một người chỉ làm bán thời gian để có thời gian đưa đón các con đi học, tham dự các hoạt động ngoại khóa của các con cũng như là chăm sóc cho các con trong các kỳ nghỉ. Nếu như cả cha mẹ đều đi làm toàn thời gian thì các kỳ nghỉ và các giờ trước giờ học sau giờ học đều có các trung tâm giữ trẻ ngoài giờ nằm ngay tại trường mà các con theo học do chính phủ quản lý.
Tuy nhiên ở Úc việc gia đình có cả hai người đi làm toàn thời gian là rất hiếm vì họ luôn ưu tiên khi con còn nhỏ nên thường có một phụ huynh ở nhà và chăm sóc cho các con từ lúc nhỏ cho tới lúc ít nhất con học xong cấp một. Các vị phụ huynh đó cũng theo dõi rất sát sao tất cả các lớp học của các con để có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như đưa con đi học các lớp ngoài giờ như là học bơi, học vẽ, học nhảy, học múa, học đàn, học thể thao và cho các con tham gia rất nhiều các hoạt động ngoài trời như là bóng đá bóng bầu dục bóng rổ học bơi vân vân…
Các điểm hay trong bậc tiểu học ở Úc mà mình nhận thấy:
1. Cách tổ chức và sinh hoạt của 1 buổi Assembly (Giống như buổi tập trung chào cờ ở Việt Nam).
1 buổi Assembly tại trường tiểu học. Nguồn: BWPS
Việc này là điều mình ấn tượng nhất khi mới qua Úc và cho con đi học tại đây. 2 tuần 1 lần sẽ có 1 buổi Assembly do 1 lớp trong trường phụ trách. Trường sẽ chia lịch ra sẵn trong năm lớp nào sẽ phụ trách buổi nào và thông báo cho thầy cô, học sinh và phụ huynh biết. Sau đó các lớp sẽ tự lên ý tưởng, luyện tập và chuẩn bị cho buổi đó.

Bài viết về “Assembly trong trường tiểu học ở Tây Úc” khá dài nên mình viết ra thành 1 bài riêng. Link đọc bài tại đây: https://phanexperience.com/?p=4

2. Các buổi Open Night cho cha mẹ, tương tự như ngày hội cho phụ huynh.
Đây là ngày để trường và lớp trưng bày các “sản phẩm” học tập mà các con đã làm trong suốt thời gian đi học, từ làm thơ, văn, sản phẩm nghiên cứu, các bài thuyết trình, sách vở…. nói chung là tất cả những gì các con làm trên lớp. Đây là 1 phần rất hay mà mình sẽ viết trong 1 bài riêng: “Open Nigh” ở trường con ở Úc.
Chuẩn bị cho Parent Night-Ngày hội phụ huynh. Nguồn: Kardinya Primary School.
Một tác phẩm của con
3. Các hoạt động trong các tuần lễ chủ đề trong năm.
Có rất nhiều các hoạt động chủ đề như : Swim Week, Book Week, Science Week, Environment Week, Earth Week, Sport Week, Resilient Week… Thường thì mỗi tuần trong học kỳ sẽ có 1 chủ đề. Chủ đề có thể kéo dài 1, 2 hay 3 tuần tuỳ khối lượng kiến thức và độ dài giáo trình mà bộ giáo dục muốn hướng tới cho các bé. Ví dụ các con sẽ có 2 tuần bắt buộc để học bơi tại trung tâm thể dục thể thao. Đây là chương trình bắt buộc trong khối tiểu học.
Science week hoặc book week sẽ kéo dài khoảng 2 tuần, trong thời gian này, mọi bài học, nội dung, hoạt động ngoại khoá đều sẽ tập trung vào chủ đề này, nên thường xong mỗi chủ đề như vậy thì các con sẽ có hiểu biết và kiến thức khá sâu về chủ đề đó. Ngoài ra các con cũng có rất nhiều các hoạt động liên quan chứ không chỉ học lý thuyết trên lớp. Ví dụ trong book week thì ngoài việc học các bài trên lớp, các con sẽ được gặp gỡ các tác giả viết cho đề tài thiếu nhi rất nổi tiếng mà các con đã đọc sách, các con sẽ đi tham quan rất nhiều thư viện trong bang, nghe các cô ở đó giới thiệu về các thể loại sách, cách thư viện vận hành thế nào, lưu trữ sách ra sao, các con có ngày để hoá trang theo nhân vật yêu thích mà các con đọc trong sách. Ngoài ra, mỗi con cũng sẽ đem những cuốn sách yêu thích của mình lên lớp, rồi có 1 buổi thuyết trình về sách mà mình yêu thích, tại sao, nội dung gì. Mọi bé đều thuyết trình nên khối lượng sách mới mà các con biết thêm cũng rất nhiều. Các con cũng được tham quan nhà xuất bản. Trường cũng mời những diễn giả nổi tiếng tới nói chuyện với các con….Nói chung là tất cả các hoạt động trong tuần lễ chủ đề sẽ giúp các con hiểu nhiều khía cạnh của chủ đề đó theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Mình cũng có 1 bài viết về chủ đề ” Văn hoá đọc sách” ở Úc. Link đọc bài tại đây: https://phanexperience.com/?p=166

Crazy Hair Day. Nguồn : Kardinya Primary School
Hoá trang trong tuần lễ Book Week. Nguồn : BW Primary School
4. Các workshop cho cha mẹ về nhiều chủ đề như :
An ninh mạng, kỹ năng mềm cho cha mẹ, hiểu con cái, Giúp con đọc sách, các lớp học về thể dục, thiền… Đây là các bưổi Seminar mà trường mời các chuyên gia trong ngành về để trang bị các thông tin và kiến thức cho phụ huynh.
5. Các kỳ thi Naplan toàn quốc cho khối lớp 3, 5, 7, 9, 11:
Tại Úc cũng có các kỳ thi quan trọng cấp quốc gia cho toàn thể học sinh. Các kỳ thi này tương tự như thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tốt nghiệp trung học ở Việt Nam. Kỳ thi này thường kéo dài trong vòng 1 tuần, học sinh làm bài trên máy, thi 4 môn là : Numberacy, Reading, Writing, Language Conventions ( Toán, Văn, Tiếng Việt, Ngữ Pháp). Kết quả của kỳ thi này khá quan trọng và được dùng hầu hết trong những trường hợp quan trọng như xét tuyển lên high school ở một số chương trình học, đầu vào trường nghề, cao đẳng hay một số chương trình khác. Tuy nhiên cách thức tổ chức và thái độ của giáo viên và học sinh với kỳ thi này mới là điều đáng nói. Tất cả mọi người xem việc thi và kết quả kỳ thi này rất nhẹ nhàng dù nó khá quan trọng và ảnh hưởng nhiều thứ. Học sinh không ôn luyện hay chuẩn bị gì cho kỳ thi. Vào đầu năm trong thời khoá biểu có ghi lịch thi, và chỉ thế thôi. Đến ngày lên thi thì các học sinh được chia ra trên máy tính để làm bài, xong thì về lớp học lại bình thường. Lúc đầu mình cũng hơi lo lắng khi con lần đầu thi năm lớp năm, mình dặn con lên hỏi thầy coi có phải chuẩn bị gì không. Nguyên văn câu nói của thầy ” Nếu con chuẩn bị bất cứ điều gì cho kỳ thi này thì nó không còn ý nghĩa gì của việc thi cử nữa cả. Kỳ thi là để đánh giá những kiến thức con đã tích luỹ được trong những năm đã học. Nên việc duy nhất con cần chuẩn bị là thư giãn và không chuẩn bị gì, tới ngày thì cứ lên lớp và thi thôi”. Mình khá là bất ngờ và ngộ ra được rất nhiều điều qua chuyện đó.

6. Các trại hè cho năm cuối cấp.

Như đã đề cập ở trên, dù kỳ thi Naplan mọi người không quan trọng nhiều, nhưng bộ giáo dục cũng xếp năm thi của các con vào năm lớp 3, 5, 7 và 9. Nghĩa là 2 năm cuối cấp của bậc tiểu học và trung học là năm lớp 6 và lớp 12 các con sẽ không phải có bất cứ kỳ thi nào. Chính vì vậy, 2 năm này là 2 năm mà học sinh thích thú nhất. Ít nhất thì cũng là với bé nhà mình. Cả năm cuối cấp này chủ yếu là các hoạt động cho việc trải nghiệm. Rất nhiều trải nghiệm để các con có những kỷ niệm và dấu ấn đẹp của tuổi học trò. Ví dụ như là trại hè, lễ tốt nghiệp, tiệc tốt nghiệp, tiệc cuối cấp, dã ngoại cuối cấp, lưu bút, ….Và trại hè trong vòng 1 tuần là điều có lẽ để lại ấn tượng lớn nhất cho các con. Trại hè này được chuẩn bị rất kỹ càng. Ngay từ khi các con học lớp 4, tất cả các phụ huynh đã được mời họp để lấy ý kiến là muốn cho các con đi đâu, và lên kế hoạch hoàn tất khi các con học lớp 5. Cuối năm lớp 5 sẽ có thông báo là năm lớp 6 các con sẽ đi trại hè xa hay gần để chuẩn bị. Cũng có những trại hè đi xa ( phải bay) hoặc gần hơn trong bang ( đi bằng xe). Tuy nhiên nguyên 1 tuần các con sẽ tham dự cùng thầy cô phụ trách với rất nhiều các hoạt động ngoài trời như leo núi, chèo thuyền, đạp xe và rất nhiều các hoạt động tập thể. Đây là trải nghiệm có ấn tượng và ý nghĩa với các con rất nhiều trước khi rời xa trường và bạn bè.
Các bạn năm cuối ra trường. Poster các con tự làm trên lớp. Nguồn: Kardinya Primary School
Tất cả các học sinh cuối cấp đều được đặt đồng phục riêng có tên mình trên áo và chữ “Leaver”, tức là người năm cuối và sẽ ra trường vào năm đó. Trên áo còn in thêm tên của tất cả các bạn trong lớp. Cuối năm các con hay dùng áo này để các bạn ký tên lên.
7. Các buổi biểu diễn cho môn phụ
Đội Ca đoàn của trường biểu diễn ở trung tâm thương mại. Nguồn: Kardinya Primary School
Các môn học phụ như Edudance, ngoại ngữ phụ, buổi edudance concert, lunch concert, Choir concert, IMSS concert để các con có điều kiện được biểu diễn.
Biểu diễn Edudance tại trường. Nguồn: BW Primary School
Đội nhạc biểu diễn tại trường. Nguồn: Kardinya Primary School

Bài viết về ” Các buổi biểu diễn cho các môn học tại Úc” khá dài nên mình viết ra thành 1 bài riêng.

8. Các buổi Jump Jam buổi sáng
Thường thì trường bắt đầu từ 9h sáng, nhưng từ khoảng 8h thì các bạn trong đội nhảy Jump Jam sẽ có mặt để bật nhạc ở khu vực chung (Cover Area) và nhảy để mọi người ai tới sớm thì có thể tham gia tập thể dục chung với nhau. Các bài nhạc các con đều biết nên ai cũng hào hứng tham gia. Bé nhà mình cũng nằm trong đội này nên sáng nào cũng thấy con hồ hởi đi học sớm. Ngoài ra hàng năm đội Jump Jam của trường cũng đi thi với đội của các trường khác. Hơi giống như các đội cổ vũ của các trường bên Mỹ nhưng độ hoành tráng thì không bằng.
Đội Jump Jam nhảy mẫu cho cả trường nhảy theo. Nguồn: Kardinya Primary School.
9. Hoạt động ngoại khoá (incursion và excursion)
Các hoạt động học tập luôn được thực hiện song song giữa lý thuyết và thực hành hay các hoạt động thực tế. Thường xuyên có các hoạt động ngoại khoá cho các con tham dự trong hầu hết các môn học, đặc biệt là các môn về khoa học, tự nhiên và môi trường. Các buổi dã ngoại hoặc học tập bằng các hình thức bên ngoài như đi Bảo Tàng, đi viện Hải Dương Học, Đi nhạc viện, Đi Sở Thú, Đi trồng cây, Đi thăm nhà xuất bản, thư viện, đi nghe và trò chuyện với các tác giả và nhà xuất bản sách…v.v…
Ngoại khoá mùa hè tại trung tâm thể dục thể thao
10. Chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc của Bang (Music Instrument School Service)
Chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc và thi học bổng của trường âm nhạc Bang (MISS) cho các bé lớp 3 và lớp 4. Học bổng kéo dài ít nhất 6 năm từ năm lớp 5 cho tới năm lớp 10. Chương trình này tất cả các học sinh đều được thi nhưng được chọn thì chỉ khoảng 3-5%. Bé lớn nhà mình cũng được học chương trình này nên mình sẽ viết một bài riêng về vấn đề này sau.
Các con trong lớp nhạc cụ biểu diễn trong 1 buổi hoà nhạc thường niên. Nguồn JCCA.
11. Hoạt động thể dục thể thao-Sport Activities
Giáo dục thể chất là nội dung rèn luyện và phát triển rất mạnh ở cấp tiểu học. Ngoài chương trình học bơi 2 tuần nằm trong chương trình học của trường thì nội dung thể dục thể thao là nội dung quan trọng hàng ngày.
Chơi bóng
Bóng bầu dục (bên này gọi là football)
Mỗi ngày, hầu như tất cả các lớp đều có tiết vận động. Thường là tiết đầu tiên của ngày, các con sẽ có thời gian chạy vòng vòng 5-10 vòng sân trường (tương tự như sân vận động bóng đá). Bất kể trời nắng trời mưa mình đều thấy các con chạy, mùa đông sáng thường 5-10 độ, mình thì áo khăn trùm kín mà các con cứ quần đùi áo thun chạy tung tăng. Dọc đường chạy còn có các chướng ngại vậy như xà ngang, các thanh ngang để nhảy qua, hay các monkey bar để các con đu lên….Lúc mới qua, các bé nhà mình chạy 1 vòng đã muốn ngất, vậy mà dần dần cũng tăng lên 2, 3 vòng, rồi sau vài tháng thì cũng bắt kịp 7, 8 vòng sân như các bạn. Hồi trước ở VN mỗi lần đi chơi đâu mà đi bộ một chút là than thở, giờ đi cả ngày cũng không thấy than thở gì nữa.
Thể dục buổi sáng nào
Bài tập buổi sáng, 10 vòng sân nào
Thể lực của các con được tăng cường rất tốt, cả việc nắng mưa cũng không sợ cảm, mà có cảm cũng là việc bình thường. Chưa kể công viên ở khu dân cư rất nhiều, trong bán kính khoảng 500m là có 1 công viên với khu vui chơi và các trò monkey bar để các con chơi sau giờ học.

Mình cũng có 1 bài viết về chủ đề ” Công viên-đặc sản miễn phí ở Úc. Link đọc bài tại đây:

Ngoài ra, trường còn thường xuyên có Sport Carnival là ngày hội thể thao ở trường, có rất nhiều các môn thể thao được thi đua giữa các Factions suốt cả ngày, Interschool Activities (thi thể thao giữa các trường với nhau, Swim Carnival ( thi bơi giữa các trường), Color Run (vừa chạy vừa phun bột màu vào nhau, Bycycle Day (ngày các con đi học bằng xe đạp, Scooter)..
Thi chạy nào. Nguồn: Kardinya Primary School
Color Run
Tuần lễ học Tennis. Nguồn: BW Primary School
Sport Carnival. Nguồn BW Primary School