Mình nghĩ một trong những lợi ích mà bé An con của mình được hưởng nhiều nhất chính là cách thức mà hệ thống giáo dục Úc làm cho các trẻ em từ 0-4 tuổi. Ở Tây Úc họ gọi là Playgroup.
What? Playgroup là gì?
Các con nghe cô Hiệu trưởng giới thiệu tranh do cô làm
Playgroup hiểu nôm na là việc tổ chức những nhóm trẻ, cho các bé chơi. Nhóm chơi này thường được tổ chức 1 tuần 1 lần, mỗi lần 2-3 tiếng, các bé được ba hoặc mẹ hoặc bà tháp tùng cùng trong suốt quá trình chơi. Nghe thì đơn giản nhưng hiệu quả mà nó đem lại thì vô cùng to lớn. Mà để đạt được hiệu quả đó thì cái cách thực hiện đóng vai trò quan trọng nhất.
Playgroup đi xin kẹo Halloween trong trường
When? Khi nào thì các con có thể tham gia playgroup?
Tất cả các bé trong độ tuổi từ 0 cho tới 4 tuổi đều được khuyến khích để tham gia. Vì thời gian chăm con mình chỉ đi học, làm parttime và online nên mình có thể sắp xếp thời gian để đưa con đi rất nhiều playgroup từ khi con 1 tháng cho tới khi gần 4 tuổi, cho tới lúc mình rời Úc
Ông già Noel tới phát quà này...
Where? Playgroup được tổ chức ở đâu?
Đây là điểm mà mình thấy Tây Úc làm rất tâm đắc và rất hiệu quả. Ở Tây Úc, các trường công lập cấp 1 đều có ngân quỹ của chính phủ để dành 1 phòng trong trường dành cho playgroup. Hoạt động của playgroup này cũng là 1 trong số những hoạt động của trường. Vậy tại sao mình lại thấy playgroup ở trong trường lại tốt?
Thứ nhất vì ở Úc, gia đình thường có đông con, mỗi gia đình có từ 3-5 bé là chuyện bình thường. Và cũng vì mức sống cao, nên khi có con, gia đình thường có 1 người đi làm, 1 người ở nhà chăm các con là chuyện phổ biến, vậy nên hoặc ba hoặc mẹ sẽ đưa đón các bé đi học, đi ngoại khóa, đi sinh hoặt hay playgroup, đồng thời các bé cũng sinh khá gần nhau, nên việc chở các bé lớn đi học tiểu học rồi đem các bé nhỏ đi playgroup tại cùng 1 nơi là rất thuận tiện.
Thứ hai, vì khi các bé lớn hơn đi học, các bé nhỏ chơi quanh quẩn trong cùng một trường, rất dễ để tương tác với nhau. Cả cha mẹ và các bé nhỏ đều thân thuộc với ngôi trường hàng ngày. Trường bên Úc cũng quản lý khá dễ dàng và thân thiện, các em có thể chạy ra chạy vô lớp của chị, hoặc chị đang học có thể tạt ngang qua playgroup của em, ôm em 1 cái, hỏi han vài câu rồi lại về lớp, điều này làm các con cảm thấy rất thoải mái. Việc này tạo cho các bé nhỏ 1 cảm giác rất thân thuộc với trường lớp, tạo cho các bé cảm giác mỗi ngày đều đến trường, đến 1 nơi rất thân quen, để khi con vừa tròn 4 tuổi, con sẽ bước vào lớp mầm non (Kindy- 3 ngày 1 tuần) hay mẫu giáo (preschool- 5 ngày/tuần). Các con sẽ thấy rất thân thuộc, có bạn trong cùng playgroup, thầy cô giáo đều biết mặt biết tên, anh chị của bé đều học chung trường, nên các con hầu như không phải trải qua giai đoạn khó khăn làm quen với việc đi học như ở những môi trường khác.
Ghé qua lớp thăm chị
Thứ ba, hoạt động trong playgroup là do các cha mẹ tự sắp xếp và tổ chức với nhau, các mẹ có thể tự bàn và thiết kế cách chơi, trò chơi như thế nào phù hợp với con mình nhất. Trường thì bao giờ cũng gần nhà nên đi lại rất dễ, thời tiết dễ chịu nên chơi rất thoải mái. Thường thì các bé đi bộ hay xe đẩy hay xe đạp, scooter cũng rất tiện ( Quy tắc ở Úc là trường cấp 1 thường phải nằm trong bán kính 1.5km từ nhà để các bé có thể đi bộ tới trường, nếu xa hơn thì các con sẽ chuyển trường để học trường nào gần nhà hơn, thủ tục chuyển trường rất đơn giản, chỉ báo trường 1 tiếng là bũa sau tới trường khác, toàn bộ thông tin có trên mạng của bộ giáo dục, trường mới sẽ tự kéo xuống để quản lý học sinh, nếu cần thì trường sẽ tự liên lạc với trường cũ để lấy thêm thông tin)
How? Cách thức tổ chức 1 buổi playgroup như thế nào?
Khi tham gia vào playgroup, cha mẹ sẽ đăng ký 1 lần với Playgroup Western Australia 1 lần cho 1 bé trong suốt giai đoạn 4 năm đầu đời và sẽ giữ tài khoản đó Bang họ theo dõi coi có bao nhiêu bé đang tham gia playgroup. Chi phí để tổ chức 1 lớp học như kiểu lớp mầm non là do trường làm lấy kinh phí từ chính phủ. Còn lại sẽ có 1 điều phối viên cho toàn chương trình ở 1 thành phố, họ chỉ giám sát, hướng dẫn và đào tạo kiến thức nếu cần thiết. Sau đó cha mẹ các bé sẽ tự điều phối các nhóm playgroup đó. Nhóm có kinh phí để mua các loại đồ chơi phù hợp với sở thích của con. Lịch cho 1 buổi playgroup thường sẽ là:
Chơi tự do với đồ chơi
Đọc sách, kể chuyện
Hát múa
Tô màu, chơi đất sét
Làm thủ công theo chủ đề của mỗi tuần.
Chơi ngoài playground, chơi cát, vận động
Lịch trình là như thế nhưng rất linh động và thoải mái, tùy theo trạng thái của các con. Mỗi nhóm playgroup như thế thường từ 4-8 bé, có thể ít hơn, hay nhiều hơn 1 chút. Vì các mẹ và các bé thường tự tổ chức với nhau, nên đầu bữa cuối bữa các con được tự chọn đồ chơi, bày ra chơi rồi dọn dẹp khi đi về. Các con học được tính ý thức mỗi khi chơi là biết dọn dẹp, dù nhiều khi chỉ là các mẹ dọn, nhưng các con hình thành ý thức đó. Giữa buổi, mỗi con đều mang 1 hộp lunch box đựng đồ ăn của mình, tới giờ lúc nào đói các con tự mang đồ ăn ra ăn cùng nhau. Điều này cũng rất tốt, vì thường các bé sẽ tự học cách tự ăn, hoặc muốn nếm thử nên trao đổi đồ ăn với bạn, các con sẽ được trải nghiệm nhiều đồ ăn khác nhau và tự thi đua ăn với các bạn. Ở Úc khi đi học lúc 4,5 tuổi cho tới khi lên high school các con đều tự gói đồ ăn đem đi học như thế. Khi 4,5 tuổi là đã tự xách đồ ăn trưa và tới bữa trưa tự đem đồ ăn của mình, tự ăn và tự dọn rồi. Các thầy cô giáo chỉ giám sát và giúp đỡ khi các con cần mà thôi.
Why? Tại sao nên cho trẻ chơi theo nhóm Playgroup?
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giai đoạn từ 0-5 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Não bộ hầu như phát triển hoàn thiện trong giai đoạn này, tính cách cũng hình thành rõ rệt. Và việc trẻ học thông qua vận động và các trò chơi là cách thức phát triển thể chất và não bộ. Vậy nên nếu trong suốt giai đoạn phát triển này của trẻ, cha mẹ đồng hành và định hướng cho con những kĩ năng cơ bản, trẻ sẽ rất tự tin và độc lập khi bước vào những năm học đầu đời. Mình thấy rõ việc tổ chức playgroup như thế này tạo được rất nhiều tác động tích cực cho trẻ đồng thời cũng dạy cho trẻ rất nhiều kỹ năng sống tốt. Trẻ hoàn toàn tự tin và vững vàng bước vào những năm tiểu học một cách sẵn sàng.
Xin cảm ơn những cha mẹ trong những nhóm playgroup mà An đã tham gia, cảm ơn trường và môi trường Tây Úc đã cho con một nền móng vững chắc đầy ắp niềm vui tuổi thơ. Bằng chứng là khi bé An vừa chuyển qua Mỹ, dù con hoàn toàn dùng tiếng Việt ở nhà và chưa bao giờ đi học, nhưng khi con đi học ở lớp mầm non bên Mỹ, con thích ứng rất nhanh, ngày đầu tiên không khóc, không sợ hãi, không bám ba mẹ, học tiếng Anh rất tốt và sau 2 tuần thì con đã hòa nhập hoàn toàn với trường lớp và môi trường mới. Ba mẹ tự hào vì đã đồng hành cùng con trong những năm đầu đời.
Bay thật xa con nhé.
Đầy ắp kỷ niệm cùng playgroup. Thiệp nhóm tặng khi An tạm biệt Úc