Mình ban đầu qua Úc là học Master, sau đó mình cũng có cơ hội học thêm ở nhiều loại trường khác nhau như Cao Đẳng, Trường nghề của nhà nước, trường nghề tư nhân, Certificate III, IV, một số khoá ở các trung tâm huấn luyện và dịch vụ ngoài. 3 bé nhà mình ở 3 độ tuổi khác nhau nên các bậc học cũng khác nhau: dưới tiểu học cũng có, tiểu học cũng có và trung học cũng có. Do đó hầu như mình trải nghiệm và tìm hiểu về hầu hết các bậc học tại Úc và có một số kinh nghiệm đáng quý. Bài chia sẻ về bậc tiểu học, trung học, trường nghề và cao đẳng mình đã nói trong ba bài viết trước, bài này sẽ là nói về học đại học và sau đại học. (Tham khảo hệ thống giáo dục ở Úc tại hình số 1-Nguồn: bộ giáo dục Úc)
Úc luôn được xếp hạng một trong những nước có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới. Hệ thống giáo dục của Úc chịu ảnh hưởng và khá giống với hệ thống giáo dục của Anh.
Mình học đại học tại Murdoch, thành phố Perth, bang Western Australia. Đây là một trong những trải nghiệm khá tốt về chương trình đại học và sau đại học. Trường làm khá tốt về công tác tiếp thị, giới thiệu thông tin, chào đón sinh viên và hướng dẫn ban đầu.
Xét về cảm nghiệm cá nhân, đại học chú trọng khá nhiều tới thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn độ và Nepal nên số lượng học sinh ở những quốc gia này chiếm đại đa số sinh viên trong trường. Do đó, chất lượng giảng dạy và học tập cũng có đôi chút bị ảnh hưởng. Bởi theo tình hình chung, hệ thống giáo dục ở các nước châu Á và cả Ấn độ, Bangladesh đều không cao và theo cách thức giáo dục cũ hơn so với Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Âu. Các nền giáo dục này thường hay chú trọng tới điểm số, nhớ bài và thụ động, chính vì vậy, tư duy phản biện và growth mindset ít được chú trọng. Điều này hình thành một phần cũng do văn hóa, do chế độ quản lý nhiều. Tuy nhiên xét tới chất lượng giáo dục, và theo ý kiến cá nhân của mình thì khá nhiều trường đại học ngày nay, ngoài một số trường rất nổi tiếng và có truyền thống lâu đời, phần còn lại hầu hết đều xem việc giảng dạy như một kiểu “kinh doanh”, dù vẫn là mang tiếng là đào tạo cho thế hệ mai sau, vẫn là công việc cao cả trao truyền kiến thức, nhưng rất nhiều hoạt động giáo dục được xem như “ thương mại hóa” vì thực tế ngành này đem lại rất nhiều lợi ích, cả về kinh tế, cả về nhiều yếu tố khác. Cho nên trong một môi trường mà tỷ lệ sinh viên ở những nước đang phát triển chiếm phần đông, chất lượng giảng dạy cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp với số đông, sao cho thu hút được thêm nhiều người đăng ký học, sao cho những học sinh đó họ đánh giá tốt về trường của mình. v.v…và v.v
Từ đó môi trường đại học không đơn thuần là môi trường học thuật thuần túy, mà là nơi để các tổ chức và cá nhân lãnh đạo tạo ra lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu nhập và danh tiếng.
Nói như thế không có nghĩa là chất lượng giảng dạy ở đây rất tệ, trái lại, theo đánh giá của mình thì trường làm khá tốt tất cả các khâu, chỉ có điều mình thấy phần chung chạy theo thị hiếu của thị trường nhiều hơn là mang tính chất học thuật đơn thuần. Đó chỉ là cảm nghiệm của mình khi trải qua khoảng 4, 5 khóa đào tạo ở các môi trường khác nhau tại các cơ sở khác nhau. Điều đó cũng thể hiện rõ khi mình tìm hiểu và nộp xin học bổng tiến sĩ ở một số trường khác nhau, cái cách chọn ngành nào, hướng nào cũng khá là thương mại hóa, làm sao cả mình và cả cơ sở cung cấp dịch vụ hay người giúp đỡ có lợi nhất.
Quay trở lại Murdoch là trường mình theo học chương trình Thạc sĩ về phát triển bền vững, vì mình nộp đơn vô trường thông qua dịch vụ tư vấn du học IDP, và cũng may mắn gặp được một bạn tư vấn viên vô cùng nhiệt tình, chuyên nghiệp và tận tâm nên hành trình xin trường và visa du học của mình khá thuận lợi. Mình nhận được học bổng cho cả 3 trường mình xin là đại học Monash ở Melbourne, đại học Tasmania và đại học Murdoch ở Perth. Sở dĩ mình chọn Murdoch vì Perth là thành phố duy nhất có chính sách miễn phí học phí cho con của du học sinh, vì vậy 2 bé nhà mình qua đây du học theo visa du học của mẹ và được học phổ thông hoàn toàn miễn phí trong suốt quá trình mình học ở đây cộng thêm 3 năm visa 485 sau khi tốt nghiệp.
IDP cũng có bộ phận hỗ trợ làm visa du học cho mình luôn, hỗ trợ cho cả gia đình nên hồ sơ mình rất nhanh chóng. Tháng 11/2017 mình nộp hồ sơ, thì tháng 12 được nhận. Tháng 2/2018 gia đình mình có visa, và tháng 4 năm 2018 là gia đình mình chuyển qua Úc. Khi qua, trường có dịch vụ đón cả gia đình mình tại sân bay, chở về nhà trọ, rồi cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích.
Tuần lễ orientation là tuần lễ giới thiệu cho sinh viên mới cũng rất hay và đầy đủ, mình được gặp thầy giáo trưởng khoa, ở đây gọi là chairman và được hẹn để tư vấn về chương trình học, rồi được hướng dẫn tới các buổi hội thảo và workshop để chia sẻ thông tin, hướng dẫn đăng ký môn học. Rồi có các môn phụ để hướng dẫn hòa nhập và dạy cách để trích dẫn nguồn tài liệu bản quyền thế nào (điều mà trước đây mình chưa bao giờ biết tới hay dùng tới). Điểm này rất quan trọng vì ở những nước như Úc hay châu Âu hay Mỹ, việc bản quyền là tối quan trọng. Mình không thể tự ý copy hay lấy một hình ngẫu nhiên trên mạng rồi bỏ vào bài làm hay powerpoint hay các bài thi của mình mà không trích dẫn nguồn hay không xin phép. Những điều này khá mới mẻ với mình nhưng với học sinh bản xứ thì là điều gì đó nó quá hiển nhiên, hiển nhiên tới mức mà con mình khi học lớp 1 và lớp 4 đã biết làm việc đó thành thạo, vậy nên khi mình chụp 1 bức hình con vẽ, hay chụp hình con hay đề cập tên con trên post facebook bay bất gì điều gì muốn viết, muốn nói, các con đều được dạy là cái gì không phải của mình thì phải xin phép. Vậy mà thói quen trước giờ mình luôn làm và xem như đó là chuyện bình thường. Giả dụ mình thấy 1 cuốn sách hay thì ra tiệm photo về đọc, thấy một tài liệu hay thì xin chụp hình, nhưng ở đây hoàn toàn không được làm như vậy. Nên mọi người qua đây sẽ hoàn toàn không thấy dịch vụ photocopy. Các tài liệu hay sách đều phải mua theo giá bản quyền rất mắc. Dùng bất kỳ một tài liệu nào phải trích dẫn những kiến thức ấy của ai, lấy từ sách nào, nhà xuất bản nào.v.v… Đây có lẽ là điều đầu tiên và bổ ích nhất mà mình học được từ trường bên này, điều này thay đổi cả nhân sinh quan của mình và nó có tác động rất lớn tới cách mình nhìn nhận vấn đề. Đó là một trong rất nhiều những cái hay mà mình thấy mình học được ở môi trường giáo dục bên này chứ không phải chỉ là những kiến thức trên lớp.
Thực ra cái cách mà trường bên này trao truyền kiến thức cũng khác rất nhiều. Họ chủ yếu gợi mở, hướng dẫn và tạo điều kiện cho mình, còn lại học hay không là do mình tự lo. Không có những việc đọc chép, không có những buổi giảng thao thao bất tuyệt vài tiếng đồng hồ. Trái lại, thư viện với máy tính và internet, sách vở tài liệu mở cửa 24/24. Cơ sở vật chất tuyệt với, môi trường thoải mái, tư vấn và hỗ trợ sẵn sàng. Các workshop và seminar nhiều dạng, các nhóm hội, câu lạc bộ đủ kiểu. Đó là những gì trường hỗ trợ. Còn lại học là việc của sinh viên. Ai muốn giỏi thì tự học, ai không làm bài được họ cũng vui vẻ, chả thầy cô nào la mắng, chả ai cằn nhằn lúc bạn bị điểm thấp, cũng không ai quan tâm nếu bạn thi rớt hay phải hủy visa về nước, tất cả là quyền tự do của bạn. Là lợi ích của sinh viên. Mình có thai và sinh con trong lúc học, nên khi sinh bé được hơn 1 tuần là mình đem cả con lên lớp, vừa học vừa chăm con, nhưng các giáo sư rất ủng hộ và giúp đỡ, thậm chí trong một số kỳ nghỉ của trẻ con, mình phải đem cả 3 bé lên cùng lúc, thầy cô thấy thế thì in giấy tô màu cho con, cho con bánh kẹo…Mọi thứ rất tự do và chủ động nếu mình thực sự muốn học. Dù tỷ lệ tốt nghiệp hay tỷ lệ kiếm được việc làm cũng là một chỉ số để đo lường mức giá tri của một trường đại học, nhưng thầy cô không phải là người canh chừng và canh me hay dọa nạt để mình học. Thành tích của sinh viên cũng không hẳn là thước đo sự thành công của giáo viên. Họ không bị lệ thuộc vào đó.
Đó chính là đặc trưng lớn nhất của bậc đại học và sau đại học ở Úc. Là điều kiện hỗ trợ cho việc tự học và trách nhiệm tự học của mỗi sinh viên.